Saturday, April 8, 2017

[HƯỚNG DẪN VỀ TRƯỜNG SEMMON]

Posted By: Kaitou Kid - 8:26 AM
PHẦN 1: Những khái niệm cơ bản về trường semmon
Bài viết dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết của cá nhân mình nên rất mong nhận được các ý kiến chia sẻ đóng góp của mọi người để hoàn thiện hơn. Tất nhiên việc chọn trường như thế nào để theo học là khác nhau tùy vào mục đích của mỗi người, còn bài chia sẻ này mình chỉ giới hạn trong mục đích là ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp. Vì công việc của mình liên quan đến trường senmon nên nội dung chủ yếu là về cách tìm và chọn trường semmon, tuy nhiên một số mục cũng có thể áp dụng cho cả các bạn muốn học đại học nữa.
I/ Trường semmon (専門学校) là gì?
① Khái niệm về trường semmon
Trường semmon về cơ bản được coi là cơ quan giáo dục nghề nghiệp (職業教育). Sau khi hoàn thành chương trình học, học sinh được cấp chứng chỉ chuyên môn 専門士(せんもんし). Để được phép cấp chứng chỉ này, trường semmon cần thỏa mãn 3 điều kiện sau:
1. Chương trình học kéo dài từ 2 năm trở lên
2. Tổng số giờ học từ 1700 tiếng trở lên
3. Có tổ chức kỳ thi đánh giá thành tích học tập
Với chứng chỉ 専門士, học sinh có thể xin chuyển tiếp lên năm 3 của đại học với điều kiện chuyên ngành định theo học tại đại học phải có liên quan với chuyên ngành đã học tại semmon cũng như đỗ kỳ thi chuyển tiếp. Nhìn chung các khóa học của trường semmon thường kéo dài 2 năm nhưng có những trường có cả khóa học kéo dài 4 năm. Học sinh tốt nghiệp hệ 4 năm được cấp chứng chỉ 高度専門士 (こうどせんもんし)và có thể học tiếp lên cao học. Khi đó điều kiện để được cấp chứng chỉ sẽ là hoàn thành chương trình học kéo dài từ 4 năm trở lên với tổng số thời gian học ít nhất là 3400 tiếng.
Về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp thì cơ hội dành cho học sinh học senmon cũng không chênh lệch quá lớn so với đại học và cao đẳng. Tuy nhiên mức lương khởi điểm của học sinh tốt nghiệp semmon thường thấp hơn một chút so với đại học (chênh lệch khoảng 2-3 man). Ngoài ra ngành nghề có thể làm cũng bị giới hạn hơn so với người tốt nghiệp đại học, bắt buộc phải là ngành nghề đã học ở semmon (ai đã tốt nghiệp đại học ở VN thì có thể làm thêm cả các ngành nghề liên quan đến ngành đã học ở đại học).
② Trường được cấp phép (認可) và không cấp phép (無認可)
Những trường semmon đạt được những tiêu chuẩn nhất định do chính quyền tỉnh/thành phố đề ra sẽ được cấp phép gọi là 認可校(にんかこう) còn những trường không đạt đủ các điều kiện đó được gọi là 無認可校(むにんかこう). Mặc dù người Nhật khi chọn trường có xu hướng thích chọn 認可校 hơn nhưng không phải cứ 無認可校 thì đều là trường không tốt. Trên thực tế vẫn có những trường dù không được cấp phép nhưng vẫn có chương trình học và chế độ hỗ trợ tốt. Tuy nhiên chỉ có học sinh của các trường là 認可校 mới có các quyền lợi sau đây:
1. Được hưởng chế độ giảm giá cho học sinh (学生割引)
2. Được đăng ký xin các chế độ học bổng công (VD: học bổng của JASSO cho du học sinh tư phí)
3. Được cấp một số chứng chỉ quốc gia (国家資格) sau khi hoàn thành chương trình học ở semmon mà không phải tham dự kỳ thi chung toàn quốc (tùy chuyên ngành)
4. Trong trường hợp trường semmon đang theo học phá sản hoặc ngưng hoạt động, học sinh được hỗ trợ tìm và làm thủ tục chuyển sang trường semmon khác
5. Được ghi nhận vào mục 学歴 trong sơ yếu lý lịch dùng khi tìm việc sau này (các trường 無認可校 không được công nhận trong sơ yếu lý lịch)
6. Được hưởng chế độ hỗ trợ xin việc tốt do trường thường xuyên nhận được nhiều thông tin tuyển dụng từ các dịch vụ hỗ trợ việc làm công cũng như các doanh nghiệp
7. Có thể chuyển tiếp lên năm 3 đại học cùng ngành (với hệ 2 năm) hoặc cao học (với hệ 4 năm)
Nhìn vào các ưu đãi trên, có thể thấy mục 5 và 6 đặc biệt quan trọng với những ai có ý định xin việc ở Nhật sau khi tốt nghiệp. Với các bạn có định hướng như vậy thì rõ ràng nên lựa chọn những trường là認可校 hơn.
Các trường 認可校 có nghĩa vụ báo cáo tỷ lệ lên lớp của học sinh lên cục thường xuyên nên khá nghiêm trong việc quản lý học sinh. Ngược lại, các trường 無認可校 khá dễ dãi trong vấn đề này. Ngoài ra các trường 無認可校 thường học phí rẻ hơn 認可校 và hay có các khóa đào tạo ngắn hạn do không bị ràng buộc chặt chẽ về điều kiện thời gian của chương trình học. Do đó sinh viên đại học hay người đã đi làm muốn học thêm một chuyên ngành khác lại có xu hướng thích無認可校 hơn. Việc bằng cấp không được chấp nhận trong sơ yếu lý lịch có thể được bù đắp lại bằng cách tự đăng ký thi lấy các chứng chỉ quốc gia.
Vậy làm thế nào để phân biệt trường 認可校 và 無認可校? Cách nhận biết cơ bản là dựa vào tên trường. Thường các trường 認可校 sẽ có chữ 専門学校 trong tên của mình. Tuy nhiên trên thực tế có một số trường 認可校 nhưng vẫn không theo quy tắc này nên cách phân biệt này cũng không hoàn toàn chính xác. Tốt nhất vẫn nên tìm kiếm thông qua các trang web như sau
http://www.zensenkaku.gr.jp/zensen_index.cgi
https://www.senmon-navi.com/
Lưu ý là có thể một số trường là 認可校nhưng không tham gia vào các đoàn thể hay trang web này, do đó nếu được thì nên xác nhận trực tiếp với nhân viên của trường semmon đó vẫn là chính xác nhất.
-------------------------------
PHẦN 2: Cách tìm và chọn trường semmon
Ở phần 1 mình đã giới thiệu sơ qua về các khái niệm liên quan đến trường semmon. Trong phần 2 này mình sẽ giới thiệu về cách tìm và thi vào trường semmon. Thực ra khi bạn học ở trường tiếng thì giáo viên của trường chắc cũng sẽ hướng dẫn các điều này thôi.
① Xác định ngành mà bạn muốn theo học
Mình đã gặp và tư vấn cho khá nhiều bạn học sinh theo học tại trường tiếng và mình nhận thấy tình trạng chung là đa số các bạn chưa có định hướng rõ là mình muốn học về cái gì. Cuối cùng các bạn hay lựa chọn kinh tế hay IT là phương án an toàn. Trên thực tế thì đây cũng là 2 ngành hầu như không gặp khó khăn về mặt xin visa, cũng như có một lượng cầu lao động tương đối ổn định. Tuy nhiên nhược điểm lớn là số người học về lĩnh vực này rất đông nên tính cạnh tranh cao, đòi hỏi bạn cần có năng lực và trình độ thực sự mới có thể xin được việc làm trong ngành này (mình chỉ nói đến trường hợp tự đi xin việc chứ không xét đến việc thông qua môi giới mất tiền để xin việc nhé).
Với những ai có ý định ở lại Nhật làm việc thì khi chọn ngành có lẽ điều quan trọng nhất cần lưu ý là khả năng xin visa của ngành đó. Như mình đã nói ở phần 1, học sinh tốt nghiệp trường semmon bị giới hạn về ngành làm việc hơn so với đại học, chỉ có thể làm công việc liên quan đến ngành đã học. Có những ngành hầu như không cấp visa cho người nước ngoài như nấu ăn (có cấp visa nhưng cần thỏa mãn điều kiện riêng), trang điểm, thẩm mỹ, các ngành liên quan đến nghệ thuật (có loại visa riêng cho lĩnh vực này), dịch vụ thú cưng, hoa,... Tất nhiên cái gì cũng có ngoại lệ nên tỷ lệ xin được việc của các ngành này không phải là 0% nhưng nếu muốn xin việc tại Nhật thì mình không khuyến khích chọn những ngành trên.
※ Thông tin về khả năng xin visa của các ngành học mình sẽ viết cụ thể sau.
② Tìm kiếm trường semmon có chuyên ngành mình muốn học
Với các bạn đang học ở trường tiếng thì cách đơn giản nhất là hỏi giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên phụ trách 進路指導 (しんろしどう). Giáo viên của trường sẽ giúp các bạn tìm kiếm các trường phù hợp với yêu cầu. Trước khi hỏi bạn nên có sẵn những tiêu chuẩn nhất định để các thầy cô có thể dễ tìm kiếm hơn chứ không nên hỏi chung chung kiểu “Em muốn học về kinh tế”. Một ví dụ như sau:
“Em muốn tìm trường semmon về kinh tế ở Tokyo có chuyên ngành bất động sản. Học phí nằm trong khoảng 70-90 man, có thể đóng làm nhiều lần”
Hoặc các bạn cũng có thể tự tìm bằng các trang web về 進学 hoặc Google từ khóa “Ngành mình muốn học + 専門学校”. Một số ví dụ về trang web như sau:
http://www.studyjapan.jp/
https://shingaku.mynavi.jp/search/se/
http://www.sanpou-s.net/
http://shingakunet.com/senkaku/
Sau khi chọn được một số trường thì bạn có thể vào trang web của các trường đó để đăng ký nhận tài liệu miễn phí 資料請求(しりょうせいきゅう). Trường sẽ gửi tài liệu hướng dẫn tuyển sinh về địa chỉ nhà bạn. Thường thì các trường semmon cũng hay gửi tài liệu đến các trường tiếng nên bạn cũng có thể hỏi văn phòng trường tiếng của bạn.
Một cách nữa là tham gia các buổi hội thảo du học (có nhiều tên gọi khác nhau như 進学説明会、進学フェア、進路相談会). Hàng năm trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 có rất nhiều buổi hội thảo được tổ chức tại các địa điểm như khách sạn Metropolitan hay Sunshine ở Ikebukuro, tòa nhà Shibuya Cross Tower,... Thông tin về các buổi hội thảo này thường được dán ở bảng tin của trường tiếng. Tại những buổi này sẽ có đại diện của nhiều trường đại học và senmon đến giới thiệu về trường nên bạn có thể hỏi những gì bạn muốn biết về trường một cách cụ thể.
③ Tham quan trường học
Nhiều trường semmon có tổ chức các buổi giới thiệu và tham quan trường. Khi đã lựa được 2-3 trường bạn thấy muốn vào nhất, bạn có thể đăng ký tham gia các buổi tham quan trường của trường semmon đó. Tùy mỗi trường mà các buổi tham quan này có các tên gọi khác nhau như 学校説明会, Open Campus, 体験入学. Một số trường ngoài giới thiệu trường đơn thuần còn có cả những tiết học thử. Bạn có thể trải nghiệm không khí học tập của trường cũng như kiểm tra xem với năng lực tiếng Nhật của mình hiện tại có thể theo được giờ học ở đây không.
Khi đến tham quan trường, thường bạn sẽ được tư vấn cá nhân bởi giáo viên của khoa bạn muốn theo học hoặc giáo viên phụ trách du học sinh. Đây là cơ hội tốt để hỏi về các thông tin cụ thể như nội dung chương trình học, khả năng xin visa của ngành, nếu học ngành này thì sau này làm những công việc như thế nào, các chế độ hỗ trợ của trường,...
Lưu ý rằng một số trường có phân biệt về hình thức thi đầu vào cũng như chế độ hỗ trợ tùy theo diện nhập học. Thông thường học sinh trường tiếng nhập học theo diện du học sinh nhưng cũng có trường coi người có visa vĩnh trú hoặc visa gia đình tương đương với người Nhật và có chế độ riêng. Nếu visa của bạn không phải là visa du học sinh thì nên hỏi nhà trường xem mình nhập học theo diện nào và chế độ ra sao.
④ Một số từ vựng thường gặp liên quan đến semmon
・AO入学
AO là viết tắt của Admission Office, là chế độ nhập học đặc biệt xét dựa trên ý chí nguyện vọng muốn được theo học của thí sinh nhiều hơn là khả năng học tập. Học sinh đăng ký nhập học theo hình thức AO thường được nhận những ưu đãi nhất định. Chế độ AO của mỗi trường là khác nhau nên cần hỏi trực tiếp nhân viên tư vấn của trường để biết chi tiết.
・学費分納(がくひぶんのう)
Đóng học phí làm nhiều lần
・(留学生の)就職率(しゅうしょくりつ)
Tỷ lệ xin được việc làm (của du học sinh)
・学費減免制度(がくひげんめんせいど)hay 学費免除(がくひめんじょ)
Chế độ miễn giảm học phí
・出願(しゅつがん)
Nộp hồ sơ nhập học
・願書(がんしょ)
Đơn đăng ký nhập học
・募集要項(ぼしゅうようこう)
Sách hướng dẫn thủ tục nhập học (thường có kèm hồ sơ bên trong)
・募集定員(ぼしゅうていいん)
Giới hạn về số người tuyển sinh
・インターンシップ
Thực tập
・大学編入(だいがくへんにゅう)
Chuyển tiếp lên đại học
Nguồn: Cộng đồng Việt Nhật 

About Kaitou Kid

Organic Theme is officially developed by Templatezy Team. We published High quality Blogger Templates with Awesome Design for blogspot lovers.The very first Blogger Templates Company where you will find Responsive Design Templates.

0 comments:

Copyright © 2015 Cuộc Sống Nhật Bản

Designed by Templatezy & Copy Blogger Themes